Câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi: tôi đã hoàn thành nghĩa vụ được 04 năm và đã xuất ngũ. Hiện nay tôi đang đi làm xa nhưng xã lại gọi về để đi tập huấn. Tôi không về có bị làm sao và vi phạm gì không? Cám ơn luật sư!
Chào bạn, với nội dung câu hỏi của bạn, Văn phòng luật sư Đỗ Trung Kiên và cộng sự tư vấn như sau:
Khoản 4 Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Xuất ngũ là việc hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển”. Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị vào các ngày trong năm (theo lịch làm việc của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) trong thời hạn 15 ngày làm việc (Điều 45 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015).
Cụ thể về trình tự thực hiện, Điều 5 Nghị định 13/2016/NĐ-CP quy định sau khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị thì: “Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm lập phiếu quân nhân dự bị, vào Sổ đăng ký quân nhân dự bị và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị cho công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị tại nơi cư trú”.
Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên thì được gọi là hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một (theo Điểm a Khoản 2 Điều 24). Và đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một thì việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 như sau:
“a) Phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng;
b) Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hằng năm;
c) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị quân đội; quy định số lần và thời gian huấn luyện của mỗi lần; giữa các lần huấn luyện, được gọi hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị tập trung để kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong thời gian không quá 07 ngày; trường hợp cần thiết được quyền giữ hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị ở lại huấn luyện thêm không quá 02 tháng nhưng tổng số thời gian không vượt quá thời gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều này”.
Như vậy, theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), thì sau khi đã xuất ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị phải đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị. Hằng năm, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng sẽ phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị, theo đó, những hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sẽ được gọi để tham gia huấn luyện với thời gian không quá 07 ngày/đợt, tổng thời gian của tất cả các đợt không quá 12 tháng. Theo Khoản 8 Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự, hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu sẽ bị coi là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, là hành vi bị nghiêm cấm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp bạn đi làm ở xa (đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng trở lên), thì phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng (theo Khoản 3 Điều 17). Còn trong trường hợp thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi sinh sống trước đây để làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự; đồng thời trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi chuyển đến để đăng ký chuyển đến.
Do vậy, khi bạn chưa thực hiện các thủ tục nêu trên thì Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn có thể gọi bạn về để tham gia tập trung huấn luyện. Lúc này, nếu thực sự nơi bạn đang làm việc rất xa xôi và bạn không thể kịp thời về để tham gia đợt tập huấn thì có thể viết Đơn xin tạm hoãn tập trung huấn huyện, gửi tới Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện để được xem xét giải quyết. Còn nếu có khả năng về địa phương, bạn nên gửi lệnh gọi tập trung huấn luyện tới Công ty và xin nghỉ để tham gia theo đúng quy định của pháp luật.
HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐỖ TRUNG KIÊN VÀ CỘNG SỰ
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH : P307, Nhà CT1, Ngõ 62 Trần Bình - Cầu Giấy, Hà Nội.
HOTLINE : 0978.02.66.88 – 0985.341.778
EMAIL: [email protected]
Tư vấn 24/7 qua Zalo : dotrungkienls