Di chúc được đánh máy có hợp pháp không?

Hình thức di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại tài sản ra bên ngoài thế giới khách quan, là sự chứa đựng nội dung của di chúc theo một trình tự kết cấu nhất định. Hình thức di chúc bao gồm: di chúc bằng văn bản và di chúc bằng miệng (điều 627 BLDS 2015). Trong đó, di chúc đánh máy là một dạng di chúc bằng văn bản. Điều 634 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “trường hợp người lập di chúc không tự mình viết tay bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”. Như vậy, di chúc đánh máy là một loại di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

Để bản di chúc đánh máy được hợp pháp thì phải đáp ứng được những điều kiện sau:

Thứ nhất, di chúc đánh máy phải tuân thủ quy định tại điều 630 Bộ luật dân sự 2015 về di chúc hợp pháp:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

–  Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Thứ hai, nội dung của di chúc đánh máy bao gồm:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

– Các nội dung khác

Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Thứ ba, di chúc đánh máy phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Theo quy định tại điều 632 BLDS 2015, những người không được làm chứng cho việc lập di chúc bao gồm:

– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Ví dụ: Bà A biết đọc, biết viết nhưng thấy mình già yếu, tay run không viết nổi nên bà nhờ Văn phòng luật sư Đỗ Trung Kiên và cộng sự lập bản di chúc có đánh máy theo ý nguyện của bà. Bản di chúc này được lập có điểm chỉ của bà A và chữ ký của hai người làm chứng là: Luật sư Đỗ Trung Kiên và Luật sư Nguyễn Hoàng Việt cùng với con dấu của văn phòng luật sư. Như vậy, căn cứ vào những quy định nêu trên, bản di chúc đánh máy của bà A là hợp pháp.

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐỖ TRUNG KIÊN VÀ CỘNG SỰ
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH : P307, Nhà CT1, Ngõ 62 Trần Bình - Cầu Giấy, Hà Nội.
HOTLINE : 0978.02.66.88 – 0985.341.778
EMAIL: [email protected]
Tư vấn 24/7 qua Zalo : dotrungkienls

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *