Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc nhóm quyền liên quan đến giá trị của con người trong xã hội nói riêng và trong tổng thể các quyền nhân thân nói chung. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật Việt Nam không có quy định giải thích về các khái niệm về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Trong đời sống, các khái niệm này được hiểu như sau:

– Danh dự là sự đánh giá của xã hội đối với một cá nhân về các mặt đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực của người đó. Danh dự của một con người được hình thành từ những hành động và cách cư xử của người đó, từ công lao và thành tích mà người đó có được.

– Nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất con người, là giá trị làm người của mỗi cá nhân.

– Uy tín đối với cá nhân là giá trị về mặt đạo đức và tài năng được công nhận ở một cá nhân thông qua hoạt động thực tiễn của mình tới mức mà mọi người trong một tổ chức, một dân tộc cảm phục tôn kính và tự nguyện nghe theo.

Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị nhân thân không trị giá được bằng tiền, tuy nhiên, xâm phạm đến những giá trị này có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chủ thể bị xâm phạm. Trong cuộc sống thường ngày, việc danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại diễn ra khá phổ biến, với mọi đối tượng về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Chẳng hạn như đã có rất nhiều vụ học sinh tự tử chỉ vì bị thầy cô và bạn bè nghi ngờ và lan truyền thông tin rằng mình là người chuyên thực hiện những vụ trộm cắp vặt trong trường. Hoặc những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng vướng phải những tin đồn không căn cứ tạo ra scandal nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh trước công chúng và thậm chí phải hủy bỏ cả lịch trình.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền hiến định, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ có một điều luật quy định rất ngắn gọn về vấn đề này: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” (Điều 37).

Dựa trên đó, Khoản 3 Điều 307 Bộ luật Dân sự 2005 quy định biện pháp để bảo vệ người bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này và những biện pháp để bảo đảm quyền này được bảo vệ, thực thi trên thực tế. Theo đó Điều 34 nhấn mạnh: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Các biện pháp để cá nhân tự bảo vệ mình như sau:

– Khi có căn cứ thể hiện có những thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ những thông tin đó. Thậm chí, ngay cả khi cá nhân chết, quyền này vẫn được tuyệt đối bảo vệ bởi vì vợ, chồng hoặc con đã thành niên vẫn có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ những thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đã chết; trường hợp không có cha, mẹ, con đã thành niên thì cha, mẹ của người đã chết sẽ là người có quyền yêu cầu.

Trong trường hợp thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh… thì chính phương tiện đăng tải những thông tin đó sẽ phải có trách nhiệm gỡ bỏ và cải chính. Trong trường hợp thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ để chấm dứt mọi sự đe dọa đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân sau này.

Thậm chí, Bộ luật Dân sự năm 2015 có một quy định rất tiến bộ: “Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Thực tế, những tin đồn thường lan truyền rất nhanh chóng từ người này sang người khác, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, một thông tin thu hút trên facebook có thể được hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và để truy tìm nơi phát tán thông tin đầu tiên không phải là chuyện dễ dàng. Trong những trường hợp này, vấn đề mà pháp luật Việt Nam ưu tiên quan tâm hàng đầu là danh dự của cá nhân chứ không phải là truy cứu trách nhiệm của kẻ có hành vi xấu. Khi có bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng, danh dự của cá nhân sẽ được đảm bảo, cuộc sống thường ngày sẽ không bị ảnh hưởng.

– Ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và những thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể yêu cầu người đưa ra thông tin phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐỖ TRUNG KIÊN VÀ CỘNG SỰ
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH : P307, Nhà CT1, Ngõ 62 Trần Bình - Cầu Giấy, Hà Nội.
HOTLINE : 0978.02.66.88 – 0985.341.778
EMAIL: [email protected]
Tư vấn 24/7 qua Zalo : dotrungkienls

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *